Ngày 18/3 (28 tháng Giêng, Ất Mùi), xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy đã tổ chức khai mạc Lễ hội Rước voi truyền thống tại đình .
về lịch sử Đình Đào Xá được xây dựng vào thời vua Lê Trung Hưng, niên hiệu Đức Nguyên, năm Giáp Dần (1674- 1675) do 12 dòng họ trong làng xây dựng . Đình thờ thần Đức Hải Công – là em họ Hùng Vương. Tương truyền, thời dựng nước, ông được cử về trị nhậm ở vùng này, tích cực tổ chức nhân dân trị thuỷ, chống lũ bảo vệ mùa màng. Từ đó đến nay, nhân dân Đào Xá tôn thờ ông làm Thành Hoàng làng.
Hoàn cảnh ra hội
Tục rước voi tương truyền rằng: Thời Hùng Vương, trong một buổi vãn cảnh, du xuân nhằm ngày 28 tháng Giêng từ Thọ Xuyên qua Dị Nậu về Đào Xá, vợ chồng Đức Hải Công ( tức Hùng Hải Vương) đã lập hành cung nghỉ lại tại Đào Xá. Tại đây, bà Trang Hoa công chúa là vợ của Hùng Hải nằm mộng và sau đó mang thai, sinh hạ được ba người con. Khi trưởng thành cả ba vị được phân bổ đi trị nhậm ở 3 nơi là Ngọc Tháp, Thọ Xuyên và Đào Xá. Hùng Hải Công được Vua ban cho 2 thớt voi chiến đi trị nhậm tại sông Nhị thuộc địa phận Hải Dương theo lệnh của Đức Vua. Do có công với dân, với nước, khi hoá thân các vị đều hiển Thánh và được nhân dân hương khói ngàn đời. Từ đó, nhân dân Đào Xá có lệ Cầu Voi vào ngày 28 tháng Giêng hằng năm.
Lễ hội
Theo đúng tập tục truyền thống, Lễ hội Rước voi Đào Xá năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 17 đến 19/3 ( tức từ 27 đến 29 tháng Giêng ) . Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính với các nghi lễ: Cáo hội, rước kiệu, rước voi từ Đình ra Đền Đào Xá đón long ngai; chuẩn bị cỗ thờ với xôi, gà, bánh mật, chè kho, cá chép, linh lang, ngũ quả; lễ tế truyền thống … Phần hội được tổ chức sôi động với các trò chơi dân gian: Nấu cơm thi, chọi gà, kéo co…
Lễ hội Cầu Voi là một sinh hoạt văn hoá mang ý nghĩa giáo dục và tính nhân văn sâu sắc. Năm nào cũng vậy, du khách thập phương về trảy hội đông đủ, tấp nập, bán mua nhộn nhịp cùng các trò chơi truyền thống, trò chơi dân gian… Hai ông Voi ngự tại sân đình là tâm điểm chú ý của nhân dân, nhất là các em nhỏ. Ai cũng muốn lại gần để ngắm nghía, để đùa nghịch với các ông Voi.
Bằng tấm lòng hướng về nguồn cội, bà con nhân dân trong vùng và du khách thập phương đã đóng góp nhiều công sức cùng Đào Xá bảo vệ, lưu giữ vốn cổ quý báu của quê hương với khao khát những di sản vật thể và phi vật thể đó sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian.